Nguyễn Trãi Quốc Âm Từ Điển
A Dictionary of 15th Century Ancient Vietnamese
Trần Trọng Dương.

Quốc Ngữ hoặc Hán-Nôm:

Phần giải nghĩa
ba thân 𠀧身
dt. <Phật> thân kiếp trước, hiện tại, và tương lai, dịch chữ tam sinh 三生. (Ngôn chí 12.4)‖ Kẻ thì nên Bụt kẻ nên tiên, tượng thấy ba thân đã có duyên. (Tự thán 103.2)‖ (Bảo kính 168.5, 187.8).
chử miệng tựa bình 𪧚𠰘似瓶
Thng <Phật> dịch câu thủ khẩu như bình. Ma Cật Kinh 摩詰經 có câu: “Phòng ý như canh thành, giữ miệng như nâng bình.” (防意如城 ,守口如瓶 phòng ý như thành, thủ khẩu như bình). Còn miệng tựa bình đà chỉn chử, có lòng bằng trúc mỗ nên hư. (Mạn thuật 34.3).
kiếp 刼
刼 = 劫, dt. <Phật> một đời người. Nước mấy trăm thu còn vậy, nguyệt bao nhiêu kiếp nhẫn nay. (Mạn thuật 26.6)‖ (Thuật hứng 55.3)‖ (Tự thán 87.2)‖ (Tự thuật 112.3)‖ (Bảo kính 182.1, 184.8, 188.2).
nghiệp 業
dt. học nghiệp Nghiệp cũ “thi thư” hằng một chức, duyên xưa hương hoả tượng ba thân. (Ngôn chí 12.3)‖ (Bảo kính 166.1, 168.6)
dt. nghề nghiệp Bốn dân, nghiệp có cao cùng thấp, đều hết làm tôi thánh thượng hoàng. (Tức sự 126.7).
dt. công nghiệp, sự nghiệp to lớn. (Bảo kính 130.3, 183.7)‖ Khong khảy thái bình đời thịnh trị, nghiệp khai sáng tựa nghiệp trung hưng. (Bảo kính 188.8).
dt. <Phật> tiếng Phạn 羯磨 karma, hành động, việc làm. Hành động về thân gọi là thân nghiệp hành động về lời gọi là khẩu nghiệp hay ngữ nghiệp hành động về ý gọi là ý nghiệp Kim ngân ấy của người cùng muốn, tửu sắc là nơi nghiệp há chừa? (Bảo kính 179.4, 187.8).
Như Lai 如來
dt. <Phật> Như Lai Phật tổ. Lọ vằn sinh bởi mãi phương Tây, phụng sự Như Lai trộm phép sày. (Miêu 251.2).
phép 法
AHV: pháp.
dt. quy củ, đơn vị đo lường tiêu chuẩn. Được thua cứ phép làm thằng mặc, cao thấp nài nhau tựa đắn đo. (Bảo kính 152.3).
dt. <Nho> chế độ, chuẩn tắc. Thờ cha lấy thảo làm phép, rập chúa hằng ngay miễn cần. (Bảo kính 184.3).
dt. <Phật> đạo. Lọ vằn sinh bởi mãi phương Tây, phụng sự Như Lai trộm phép sày. (Miêu 251.2).
sày 師
◎ Nôm: 柴 Đọc âm HHV. AHV: sư. OCM *sri [Schuessler 2007: 461]. Bụt là thầy cả trong tam giới. 如來是三界大師 (Phật Thuyết 7a). Chữ Nôm 舍賴哿, đối dịch chữ đại sư; cả < đại; 舍賴 (xá lại) < 師, được tái lập là một âm có tổ hợp phụ âm đầu là sr-. [NT Cẩn 2008; NQ Hồng 2008: 135], và salaj⁶ [Shimizu Masaaki 2002: 769]. Nay theo thuyết của NT Cẩn. *sri là âm của chữ 師 vào quãng thế kỷ VI trở về trước, đến đời Đường mới đọc thành *si (sư). Nhưng dấu vết cổ của nó vẫn được bảo lưu trong tiếng Việt vào quãng thế kỷ XII qua sách Phật Thuyết. Chữ Nôm QATT và các văn bản nôm thường dùng sài 柴 để ghi thày. Rhodes đã ghi nhận thày chứng tỏ đến thế kỷ XVII quá trình sày > thầy đã hoàn tất. Thế kỷ XV- xvi có lẽ vẫn đọc là sày. An Nam dịch ngữ ghi: “僧人: 隨委”, được Vương Lộc tái lập là [suei uei], và giải nghĩa là người sư (sãi) [1997: 152], theo chúng tôi đây là ghi âm người sày (thày). Tày: sày, sấy [HTA 2003: 437 - 463].
dt. <Nho> tiên sư, người dạy học. (Mạn thuật 25.4)‖ (Tự thán 94.8)‖ (Bảo kính 167.5, 173.3).
dt. <Phật> thầy chùa. Cảnh tựa chùa chiền, lòng tựa sày, có thân chớ phải lợi danh vây. (Ngôn chí 11.1)‖ (Miêu 251.2).
dt. thầy thuốc, người chữa bệnh. Ai rặng túi sày chăng đủ thuốc, hay vườn đã có vị trường sinh. (Hoàng tinh 234.3).
thuấn nhã đa 舜若多
dt. <Phật> dịch âm từ tiếng Phạn là Śūnyatā (nghĩa là không tính), không tính là trọng tâm luận thuật của kinh bát nhã, phân làm hai bộ phận là nhân không và pháp không. Nhân không tức là không có tự ngã cố định, nếu tự ngã không biết nương theo Phật pháp thì sẽ đọa vào luân hồi; còn pháp không trỏ muôn sự muôn vật trên thế gian mà không có thực thể triết học, nó chỉ là cái thể tổi hợp tích tụ của nhân duyên, nên về hình thức nó chỉ là không tướng, tức tồn tại như một khái niệm mà thôi. Nếu nhận thức rõ được hai loại không trên thì sẽ phá trừ được tứ tướng (nhân tướng, ngã tướng, chúng sinh tướng và thọ giả tướng). Vuỗn sinh lẩn thẩn mỗ già, mọi sự đều nên thuấn nhã đa. (Tự thuật 114.2).
vô tâm 無心
tt. <Phật>, <Đạo> không có chủ ý. Đào Tiềm có câu: “mây vô tâm mà nhô ra trên đỉnh núi” (雲無心以出岫 vân vô tâm dĩ xuất tụ). Thơ đới tục hiềm câu đới tục, chủ vô tâm ỷ khách vô tâm. (Ngôn chí 5.6)‖ (Thuật hứng 70.4)‖ (Tự thán 78.3).
vượn đam trái 猿冘𣡚
đc. <Phật> hình tượng thường gặp trong kinh điển Phật giáo. Tống Nhân Tông có bài phú rằng: “làm đệ tử Như Lai; làm tông thân tiên thánh. Vào ra ở dưới cửa vàng; hành tàng ngay trong điện báu. Hươu trắng ngậm hoa, vượn xanh hiến quả. Xuân nghe oanh hót líu lo, vui với cơ trời; hè nghe ve kêu khản tiếng, nào biết nắng nôi!” (作如來之弟子,為先聖之宗親,出入於金門之下,行藏寶殿之中,白鹿啣花,青猿獻菓,春聽鶯啼鳥語,妙樂天機;夏聞蟬噪高林,豈知炎熱 tác Như Lai chi đệ tử; vi tiên thánh chi tông thân. Xuất nhập ư kim môn chi hạ, hành tàng bảo điện chi trung. Bạch lộc hàm hoa, thanh viên hiến quả. Xuân tính oanh đề điểu ngữ, diệu lạc thiên cơ; hạ văn thiền táo cao lâm, khỉ tri viêm nhiệt). Diêu Miễn 姚勉 đời Tống trong tuyết pha văn tập có câu: “Gà vàng gắp thóc ở bếp hương tích; vượn ngọc dâng trái trong toà pháp vương.” (金雞銜粟於香積之厨玉猿獻果於法王之座 kim kê hàm túc ư hương tích chi trù; ngọc viên hiến quả ư pháp vương chi toạ). Chường thiền định, hùm nằm chực, trái thì trai, vượn nhọc đam. (Thuật hứng 64.4), ý nói hoa trái là thức ăn chay theo mùa (thì trai), vượn cứ thế mà hái dâng. Bài thơ có thể được viết khi Nguyễn Trãi giữ chức quan coi chùa Côn Sơn. Thời lành cả mở hội lành, reo đưa gió Phật, quét thanh bụi tà. Vầy đoàn yến múa, oanh ca, vượn xanh dâng trái, hạc già nghe kinh (Tư Dung ). Mỗi khi đến thời tiết tam nguyên và Phật đản thì có con hạc đen đến chầu, con vượn xanh dâng cúng quả, lưu luyến bồi hồi như có ý muốn tham thiền thính pháp; đáng gọi là nơi tịnh độ tiêu dao vậy (gia định thành thông chí).